Việc nắm bắt và tuân thủ chính xác mốc khám thai quan trọng giúp mẹ bầu theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn, phát hiện sớm tình huống thai kỳ nguy cơ cao để can thiệp kịp thời, ngăn ngừa tai biến sản khoa. Tại bài viết này bác sĩ Nguyệt sẽ chia sẻ các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu nên nhớ. Cùng tìm hiểu ngay nhé.
9 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần nhớ
Các mẹ bầu thường xuyên đặt câu hỏi cho bác sĩ Nguyệt là thời điểm nào trong thai kỳ đi khám thai là chính xác nhất? Dưới đây là 9 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu nên nhớ, bao gồm:
Khám thai lần đầu khi thai kỳ 5-8 tuần
Lần khám thai đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi, nên đi khám bắt đầu khoảng tuần thứ 5 – 8 sau khi phát hiện có thai hoặc những dấu hiệu mang thai.
Ở lần khám thai đầu, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu tham gia một số xét nghiệm như:
- Kiểm tra cân nặng – chiều cao để tính chỉ số BMI đánh giá thừa cân, béo phì.
- Kiểm tra huyết áp để phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật.
- Siêu âm xác định vị trí làm tổ phôi thai, loại trừ kịp thời tình huống mang thai ngoài tử cung nguy hiểm.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra hormone hCG với trường hợp siêu âm không thấy rõ túi thai hoặc siêu âm phát hiện dấu hiệu bất thường.
- Tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa trên kết quả siêu âm hoặc ngày đầu tiên của kỳ kinh gần nhất tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi thăm tiền sử bệnh lý của bản thân, gia đình để dự phòng trường hợp nguy cơ trong thai kỳ như tiền sử sảy thai, sinh non, tiền sản giật hay sản giật,…
Ngoài ra mốc khám thai này bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn mẹ bầu bổ sung một số nhóm vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình mang thai, hướng dẫn mẹ bầu xây dựng chế độ ăn uống khoa học cùng lối sống lành mạnh, những điều cần tránh khi mang thai.
Thai kỳ 8-10 tuần
Nếu ở lần đầu đi khám, bác sĩ siêu âm chưa thấy phôi thai làm tổ hoặc chưa nghe tim thai thì mẹ bầu sẽ được hẹn lịch khám vào 8 – 10 tuần.
Thai kỳ 11-13 tuần 6 ngày
Đây là mốc khám thai quan trọng giúp phát hiện, tầm soát dị tật thai nhi đầu tiên mà bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu phải đi khám đúng lịch hẹn.
Nếu lần khám này phát hiện hình ảnh siêu âm bất thường về cấu trúc thai nhi hay nguy cơ bất thường số lượng nhiễm sắc thể cao, bác sĩ sẽ khuyến cáo thực hiện thủ tục xâm lấn như sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối tùy theo trường hợp nhằm xác định thai nhi có bất thường số lượng nhiễm sắc thể hay không.
Thai kỳ 16-18 tuần
Ở mốc khám thai kỳ 16 – 18 tuần, mẹ bầu vẫn được thực hiện những kiểm tra thường quy như là đo cân nặng, huyết áp, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu,…nhằm theo dõi sự phát triển thai nhi trong bụng mẹ.
Nếu ở lần khám trước mẹ bầu chưa được tiến hành xét nghiệm máu để tầm soát bất thường về số lượng nhiễm sắc thể thường gặp thì tại đợt khám này mẹ bầu sẽ được làm Triple Test – đây là loại xét nghiệm máu thường được thực hiện khi thai nhi đạt 16 – 18 tuần tuổi nhằm sàng lọc bệnh lý ở thai nhi giống với ở tam cá nguyệt thứ nhất nhưng độ nhạy sẽ thấp hơn hoặc cũng có thể làm NIPT.
Bên cạnh đó ở lần khám này với những mẹ bầu khi khai thác thông tin có tiền sử sinh non hoặc thai kỳ có yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành thêm bước đo chiều dài kênh cổ tử cung.
Thai kỳ 20-24 tuần
Khi thai nhi đạt 20 – 24 tuần tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện siêu âm 4D cùng một số xét nghiệm cần thiết nhằm kiểm tra hình thái thai nhi, phát hiện kịp thời những bất thường nếu có chẳng hạn như dị tật sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở cơ quan và nội tạng… Bác sĩ cũng sẽ tiến hành đo chiều dài kênh cổ tử cung nhằm tầm soát dấu hiệu sinh non. Khi phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối để kiểm tra chính xác nhất.
Ở mốc khám thai này, mẹ bầu cũng sẽ được chỉ định tiêm vắc xin ngừa uốn ván mũi đầu tiên.
Thai kỳ 24-28 tuần
Tại mốc khám thai kỳ này, mẹ bầu sẽ được tiến hành những kiểm tra lâm sàng như những lần khám trước đó để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành siêu âm 2D để theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi và đồng thời kiểm tra lượng nước ối, vị trí bám nhau thai.
Một xét nghiệm quan trọng trong lần khám thai này là là nghiệm pháp dung nạp glucose nhằm phát hiện sớm tình trạng tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu thay đổi chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt và dùng thêm insulin với những trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra đây cũng là thời điểm mẹ bầu cần tiếp tục tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (Boostrix) khi thai nhi được hơn 27 tuần tuổi.
Trong trường hợp mẹ bầu bị viêm gan B sẽ được tiến hành làm xét nghiệm máu để quyết định xem có nên điều trị viêm gan B giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi không.
Thai kỳ 28-32 tuần
Sau những kiểm tra lâm sàng thường quy, ở cột mốc 28 – 32 tuần mẹ bầu được chỉ định làm siêu âm hình thái học quý 3 nhằm phát hiện những bất thường khởi phát muộn ở thai nhi. Có thể kể đến như bất thường hệ thần kinh trung ương, đầu nhỏ, kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi…
Thai kỳ 32-36 tuần
Mẹ bầu tuyệt đối không nên bỏ lỡ mốc khám thai nhi lúc 32 – 36 tuần nhằm kiểm tra ngôi thai cùng sự phát triển của thai nhi. Tại thời điểm này mẹ bầu nên đi khám thai 2 tuần 1 lần. Với những trường hợp đặc biệt có thể làm thêm một số xét nghiệm khác.
Thai kỳ 36-40 tuần
Lúc này mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám mỗi tuần để bác sĩ đánh giá sức khỏe thai nhi thông qua kết quả siêu âm và đo tim thai. Đồng thời đánh giá cổ tử cung, khung hậu của mẹ bầu để tiên lượng khả năng sinh ngả âm đạo.
Lưu ý rằng việc chỉ định sinh thường hay sinh mổ là chỉ định của bác sĩ, không nên xuất phát từ mong muốn của mẹ bầu hay gia đình để tránh khỏi những rủi ro nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyệt nhấn mạnh, ngoài 9 mốc khám thai quan trọng kể trên thì với những mẹ bầu có yếu tố thai kỳ nguy cơ cao hoặc tiền sử mang thai gặp biến chứng thì nên có lịch khám thai dày hơn nhằm theo dõi sát sao thai kỳ. Tốt nhất mẹ bầu nên lựa chọn một bác sĩ giỏi để đồng hành xuyên suốt thai kỳ nhằm nắm rõ tình trạng, hướng dẫn chính xác, can thiệp điều chỉnh kịp thời những tình huống cấp bách để mẹ tròn con vuông nhé.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Bác sĩ Nguyệt và đội ngũ tại Phòng Khám Sản Phụ Khoa – Hiếm Muộn – Tiêm Chủng Ths. Bs. Võ Thị Thu Nguyệt luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn và bé yêu. Để biết thêm thông tin chi tiết và đặt hẹn, vui lòng liên hệ:
- Phòng Khám Sản Phụ Khoa – Hiếm Muộn – Tiêm Chủng Ths. Bs. Võ Thị Thu Nguyệt
- Địa chỉ: Số 9, Trần Thị Nhượng, Phường 1, Thành Phố Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp
- Điện thoại: 082 239 3739 – 0939979404