VAI TRÒ CỦA CHẤT ĐẠM, CHẤT BÉO VÀ KHOÁNG CHẤT TRONG THAI KỲ

Chế độ ăn uống của mẹ bầu trong giai đoạn mang thai rất quan trọng, góp phần quyết định cho sự phát triển của bào thai cũng như khi trẻ sinh ra. Cùng bác sĩ Nguyệt tìm hiểu về vai trò của chất đạm, chất béo và khoáng chất trong thai kỳ nhé!

Vai trò của chất đạm và chất béo

Mẹ bầu cần quan tâm đến việc bổ sung chất đạm và chất béo trong các bữa ăn nhằm đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, chất đạm còn cần thiết cho quá trình tạo máu cho mẹ, nuôi dưỡng hoạt động tuần hoàn trong cơ thể, đồng thời thúc đẩy phát triển của thai và rau thai. Chất đạm cần tăng thêm 15g/ngày so với bình thường. Chất béo nên chiếm 20% tổng năng lượng (khoảng 40g).

Bên cạnh chất đạm động vật như sữa, trứng (kể cả trứng vịt lộn), thuỷ sản, tôm, cua, cá, ốc… mẹ bầu cần chú ý đến chất đạm từ nguồn thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, cá loại đậu khác, vừng, lạc… Đạm thực vật vừa có lượng đạm cao vừa có thêm lượng chất béo tốt và chi phí cũng chấp nhận được cho các mẹ.

 

Vai trò cần thiết của các khoáng chất

Sắt: Sắt vốn có nhiều trong thịt, cá, trứng, nghêu, sò, ốc, hến, trong ngũ cốc, đậu đỗ các loại, trong phủ tạng, đặc biệt là tiết… Mẹ bầu nên bổ sung 60mg sắt nguyên tố/ngày trong suốt thời gian mang thai đến sau khi sinh 1 tháng. Nếu bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh. Từ đó làm tăng nguy cơ bị biến chứng sản khoa. Ngoài ra thiếu sắt có thể khiến trẻ dễ bị sinh non và ảnh hưởng não bộ của trẻ.

Canxi: Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm của sữa (sữa chua, phomat), hoặc uống bổ sung viên canxi kèm theo vitamin D. Lượng canxi ăn vào được khuyến cáo là 800- 1000mg mỗi ngày trong suốt thời gian mẹ bầu mang thai và cho con bú. Canxi sẽ giúp ngăn ngừa được nhiều vấn đề sức khỏe như: tiền sản giật, sinh non, đau mỏi lưng ở mẹ; dị tật bẩm sinh, còi xương ở trẻ sơ sinh…

Kẽm: Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, hải sản. Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém. Bổ sung đủ kẽm sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát được huyết áp trong thai kỳ. Nếu để thiếu kẽm sẽ dễ dẫn nhiễm trùng, tăng nguy cơ sinh non.

Iốt: Nguồn thức ăn giàu iốt là những thức ăn từ biển như cá biển, sò, rong biển… Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên sử dụng muối, bột canh có tăng cường iốt khi nấu ăn. Nếu thiếu iốt trong thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác.

Bên cạnh, chất đạm, chất béo và các khoáng chất, mẹ bầu cũng cần quan tâm bổ sung vitamin cần thiết để đảm bảo sức khỏe thai kỳ khỏe mạnh cũng như tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển cho trẻ khi sinh ra.

Mẹ bầu nếu quan tâm các vấn đề về sức khỏe thai kỳ có thể đến Phòng khám bác sĩ Nguyệt để khám thai định kỳ và được hỗ trợ tư vấn thêm nhé!

 

Phòng khám sản phụ khoa – hiếm muộn – tiêm chủng Ths. Bs Võ Thị Thu Nguyệt

Địa chỉ: Số 9, Trần Thị Nhượng, phường 1, thành Phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

Hotline: 082 239 3739 – 0939979404

 

Nguồn: Viện dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế và một số nguồn tổng hợp khác.